Top Menu

5 nguyên nhân khiến nhiều người sập bẫy đa cấp.

Kể từ khi mô hình kinh doanh đa cấp ra đời và du nhập vào Việt Nam đến nay đã có hàng chục nghìn người đầu tư bị mất tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng có một điều lạ là khi một công ty đa cấp bị sụp đổ, bị điều tra, truy tố thì sau đó một thời gian lại có những công ty mới với chiêu trò tinh vi hơn, ma quái hơn mọc ra để lôi kéo mọi người tham gia. Vậy thì nguyên nhân nào mà nhiều người tham gia đa cấp dù báo chí đã nhiều lần đăng tin cảnh báo nguy cơ mất tiền. Tôi tạm thống kê sơ lược một vài nguyên dẫn đên tình trạng người dân đầu tư đa cấp bị mất tiền như sau:



Thứ nhất: Nguyên nhân do thiếu hiểu biết.

Qua khảo sát các nạn nhân trong những vụ lừa đảo theo mô hình đa cấp thì hầu hết các nạn nhân rất mơ hồ về kiến thức kinh doanh nói chung, đặc biệt là về kiến thực kinh doanh đa cấp. Có nhiều trường hợp người tham gia đa cấp đã bỏ tiền ra và đạt được thứ bậc cao trong công ty đa cấp, nhưng khi hỏi đến pháp luật quy định thế nào về kinh doanh đa cấp thì họ không trả lời được. Ví dụ theo điều 5 của Nghị Định Số: 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì đã nêu rõ "những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp". Tuy nhiên rất nhiều người tham gia vào hệ thống đa cấp nhưng không biết về điều này. Trong những người tham gia đa cấp cũng có những người có học thức, học vị cao. Tuy nhiên học thức, học vị này chỉ là về góc độ chuyên môn thuần túy của họ (như: Bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, kế toán,...) còn về kiến thức kinh doanh thì họ chưa được trang bị nhiều. Họ cần phải hiểu rằng "thương trường là chiến trường" rất dễ vấp ngã. Việc kiếm tiền không hề dễ như đa cấp nói.

nguyen nhan sap bay da cap

Thứ hai: Lòng tham

Một trong những yếu tố mà người làm đa cấp hay đưa ra dụ dỗ là lợi nhuận khủng, kiếm tiền dễ để đánh vào lòng tham, từ đó lôi kéo người dân bỏ tiền đầu tư. Đối tượng mà đa cấp nhắn tới là những người muốn làm giàu nhanh mà không chịu lao động. Với những câu từ như: kiếm tiền thụ động, không cần làm vẫn có tiền, xây dựng hệ thống và làm chủ … làm nổi lên lòng tham của nhiều người, từ đó lao vào bất chấp rủi ro. Nhiều người tham gia đa cấp vì những lời hứa hẹn, cam kết trả lãi suất cao, sẽ nhanh chóng giàu sang. Thời gian đầu người tham gia sẽ được trả lãi hoặc hoa hồng (%) nhanh chóng, để kích thích tái đầu từ nhiều hơn để rồi sau đó mất trắng.

Thứ ba: Sự ranh mãnh và mưu mô của những kẻ chủ chòm đa cấp làm nhiều người bị lừa.

Trong hệ thống đa cấp thì những người ở vị trí càng cao sẽ càng hưởng hoa hồng (%) càng nhiều. Đặc trưng của bán hàng đa cấp là không trả lương cứng mà người tham gia chỉ hưởng hoa hồng (%) do đó để có hoa hồng thì họ bất chấp mọi thủ đoạn để bán hàng, tuyển người vào hệ thống, kể cả việc dụ dỗ bạn bè, người thân. Họ lợi dụng tình cảm bạn bè rồi khéo léo mời đến quán nước, hẹn gặp … đưa ra thông tin mô hình kinh doanh, làm giàu không khó để thu hút. Thông tin họ đưa ra dưới dạng “bật mí”, “chia sẻ”, “kể truyện làm giàu”…tất cả những tình huống họ đưa ra rất khéo léo, bài bản …khiến cho người nghe tò mò, kích thích tìm hiểu, ham muốn theo đuổi mà không để ý đến rủi ro… Họ khéo léo đến mức tạo ra những tình huống làm cho người tiếp nhận thông tin tưởng chừng như đang gặp vận may đổi đời, tạo ra cơ hội làm giàu đến rất gần…

Thứ tư: Thủ đoạn và biến tướng tinh vi khó lường của những kẻ cố tình dùng đa cấp để lừa đảo.

Ngày xưa khi đa cấp mới du nhập vào Việt Nam thì chủ yếu là các công ty bán thực phẩm chức năng, bán đồ gia dụng như; nước lau nhà, xịt khử mùi, mỹ phẩm làm đẹp… Tuy nhiên trong những năm gần đây đa cấp đã biến tưởng ra đa ngành nghề như: Đa cấp núp bóng đầu tư bất động sản (vụ cty alibaba); đa cấp núp bóng xây dựng thương hiệu (chuỗi cafe goldtime); đa cấp núp bóng đầu tư giáo dục ( các diễn giả kêu gọi trên mạng xã hội); đa cấp núp bóng đầu tư tài chính (đầu tư tiền ảo); đa cấp núp bóng đầu tư công nghệ (Sàn thương mại điện tử, Thiết kế website, xây dựng mạng xã hội, điện toán đám mây…); ngoài ra còn rất nhiều dạng biến tướng đa cấp khác nữa…Vì sự biến tướng tinh vi ấy mà mọi người rất khó tránh.

Ngày nay với thủ đoạn núp bóng gọi vốn kinh doanh thời kỳ công nghệ 4.0 rất nhiều người làm đa cấp đã và đang dùng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin hợp tác đầu tư, khởi nghiệp, “starup”… Đặc điểm của loại này là nói rất nhiều về công nghệ, nhưng không hiểu về cách mạng 4.0 là gì ??? Thậm chí hỏi một câu đơn giản như: Nguồn gốc của cụm từ cách mạng 4.0 từ đâu ra ??? họ cũng không trả lời được !? Họ giải thích vấn đề một cách lòng vòng, chung chung không có minh chứng cụ thể… Họ nói rất nhiều làm cho người nghe cảm thấy rất hay, rất hấp dẫn, rất thời thượng nhưng khi kiểm chứng thì không có kết quả thực sự. Đặc biệt họ rất hay viện dẫn lời của các doanh nhân nổi tiếng thế giới. Họ rất hay kể về những công ty nổi tiếng thế giới để làm mờ lý trí của người họ muốn lôi kéo vào hệ thống. Thậm chí có những nhóm đa cấp khi tổ chức hội thảo, hội nghị, lễ ra mắt còn mời những doanh nhân nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên đến tham dự làm “chim mồi” để dụ dỗ người dân đầu tư vào hệ thống của họ. Thủ đoạn tinh vi còn được các nhóm đa cấp khéo léo lồng ghép vào các buổi sinh hoạt trải nghiệm sản phẩm, các tour du lịch miễn phí, đáp ứng nhu cầu check in sống ảo của nhiều người, để rồi vô tình đang tham gia quảng cáo cho họ.

Thủ đoạn tinh vi còn thể hiện ở cái vẻ bề ngoài. Những người làm đa cấp rất chú trọng vẽ bề ngoài như: 

- Về trang phục quần áo đẹp và sang trọng;

- Về phụ kiện và đồ dùng thì luôn mới và thời thượng (nhưng không biết là đồ giả hay thật);

- Về tài sản họ luôn tìm cách khéo léo khoe xe hơi, khoe nhà đất…

- Về hình ảnh cá nhân thì luôn chụp hình, check in sống ảo sang chảnh ở những địa điểm nổi tiếng …. rồi lợi dụng thời kỳ công nghệ 4.0, mạng xã hội để kêu gọi đầu tư…

Thứ năm: Người Việt Nam dễ tin người và không kiểm chứng (hoặc kiểm chứng không độc lập, khách quan về thông tin)

Nhiều người khi tham gia hệ thống đa cấp chỉ nghe thông tin một chiều từ người tuyến trên của họ. Họ không xác minh thông tin, không kiểm chứng độc lập về thông tin mà họ đã nhận được. Nhiều người dễ dàng tin lời hứa, tin lời cam kết mà không có một giấy tờ gì làm chứng cứ. Nhiều người không tìm hiểu về pháp lý của công ty mà họ đang bỏ tiền đầu tư vào. Thậm chí có những người chưa từng đến văn phòng công ty mà chỉ thông qua các buổi hội thảo rồi đầu tư ngay.

Nếu là một người cẩn trọng, sáng suốt thì trước khi tham gia đầu tư sẽ lắng nghe ý kiến tham vấn của rất nhiều người về sản phẩm, dịch vụ, thị trường, khách hàng, phương thức kinh doanh, các vấn đề pháp lý, quy định của pháp luật… Chỉ khi nắm được thông tin đa chiều thì để có một cái nhìn tổng quan về kinh doanh đa cấp sẽ tốt hơn.

Trên đây là sơ lược năm (05) nguyên nhân mà người dân Việt Nam dễ bị mắc bẫy khi tiếp nhận thông tin về đa cấp. Chúng tôi tạm thời thống kê để cảnh tỉnh mọi người cần cân nhắc trước khi tham gia đa cấp. Dù là mô hình kinh doanh nào đi nữa thì cũng cần phải bán được hàng mới có tiền hoa hồng (%). Do đó đa cấp không dễ làm như mọi người nghĩ. Nếu chỉ chú trọng tuyển người vào hệ thống mà không bán hàng thì hệ thống đó cũng nhanh chóng sụp đổ.

Tác giả: Leo Robotly

(Trích dẫn bài viết nếu bạn muốn sử dụng lại)

Post a Comment

Designed by for.vnFOR.VN | Distributed By for.vn